Thái Nguyên phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

375 lượt xem

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Ảnh: Trịnh Việt Hùng

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án liên quan đến phát triển du lịch: Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 3/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08/NQTW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 8/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị – xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; trong đó làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển du lịch; huy động mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và toàn xã hội để phát triển du lịch.

Thái Nguyên đã quan tâm chỉ đạo triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch cùng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước đóng góp vào sự tăng trưởng GRDP của tỉnh. Trong giai đoạn 2015 – 2019, các chỉ tiêu về du lịch có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, trong đó tăng trưởng về khách du lịch quốc tế đạt 6%/năm, tăng trưởng về khách du lịch nội địa đạt 15%/năm, thu nhập từ dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Trong 2 năm 2018 – 2019 doanh thu du lịch đạt hơn 400 tỷ đồng/năm. Năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các chỉ tiêu phát triển du lịch giảm sâu so với các năm trước đó.

Để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã xúc tiến nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch; tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước như: liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc; liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc; liên kết giữa Thái Nguyên và Quảng Bình, mời chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đến khảo sát và tư vấn phát triển du lịch sinh thái hang động tại tỉnh Thái Nguyên… Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá và truyền thông về du lịch trên trang website Du lịch Thái Nguyên Thainguyentourism.vn, cổng thông tin du lịch thông minh Mythainguyen.vn; tăng cường ứng dụng nền tảng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch như Facebook, Zalo, Youtube.

Hoạt động du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà thu hút du khách. Ảnh: Trịnh Xuân Thành

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở “xứ trà”

Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây, không chỉ đem lại giá trị kinh tế to lớn mà còn là nguồn tiềm năng để người dân địa phương khai thác phát triển du lịch.

Hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, khai thác, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến nay, mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà đã được hình thành, phát triển ở nhiều địa phương như xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công), xã Minh Lập, Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ)… Bên cạnh việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, nhiều cơ sở sản xuất chè đã đầu tư chỉnh trang những nương chè đẹp, phát triển thêm các dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ngoài các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp khác như: mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ), mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công), vườn hoa ATK (xã Phú Đình, huyện Định Hóa)… Tại các điểm du lịch cộng đồng có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa thu hút du khách đã có nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng homestay, phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được khu vực chế biến, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà, không gian thưởng trà rộng rãi, đảm bảo phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch.

Một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách đó là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thành phố Thái Nguyên), được công nhận là điểm du lịch địa phương từ năm 2014. Nơi đây quy tụ hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên mẫu của đồng bào dân tộc Tày, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Đến với bản làng Thái Hải, du khách được nghỉ dưỡng trong một không gian xanh, hòa mình vào không khí bản làng đậm chất văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm nông nghiệp. Nơi đây còn bảo tồn nhiều bài thuốc nam, các loại bánh đặc trưng của người Tày, trồng và làm chè thủ công truyền thống…

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, Thái Nguyên xác định phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương luôn gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 25 tỷ đồng đối với 5 điểm du lịch cộng đồng. Cụ thể, sẽ tập trung hỗ trợ kinh phí lập dự án, đầu tư hạ tầng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp; tập trung giới thiệu về con người, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và các thông tin cần thiết liên quan đến du lịch cộng đồng; hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết cho những điểm tham quan du lịch, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch trên cơ sở đó thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch; tổ chức nâng cấp, mở rộng các hoạt động du lịch cộng đồng theo hướng cuốn hút tự nhiên nhưng mang tính chuyên nghiệp cao; tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng trên địa bàn; phát huy sự tham gia của các doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỹ thuật để mở thêm nhiều dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ du khách; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là hướng dẫn viên tại điểm tham quan du lịch cả về kiến thức, kỹ năng, tinh thần, thái độ phục vụ khách du lịch; huy động cộng đồng nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương – nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch cộng đồng.

Với những định hướng và giải pháp đồng bộ cùng sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, sự hưởng ứng, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, Du lịch Thái Nguyên sẽ phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 8/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

Dương Văn Lượng
Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên

(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)

Nguồn: tapchidulich.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Video nổi bật+ Xem tất cả

Tin mới hơn